Chùa Như Ý (chùa Tông, thôn Vũ Xá) – di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, biểu tượng văn hóa và niềm tự hào của quê hương Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải DươngXã Quang Khải nằm ở phía Tây huyện Tứ Kỳ, cách thành phố Hải Dương 16 km về phía Bắc, cách thị trấn Tứ Kỳ 3km về phía Đông, cách thị trấn Gia Lộc 11 km về phía Tây, các thị trấn Ninh Giang 9 km về phía Nam. Vùng đất này được hình thành bởi phù sa sông Thái Bình, sông Kẻ Sặt, xung quanh có sông bao bọc.
Trước đây, Quang Khải có khá nhiều di tích lịch sử- văn hóa, nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, sự hủy hoại của thiên nhiên và ý thức của con người nên hầu hết các di tích đều bị hủy hoại. Ngày nay, do chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước, một số công trình dần dần được khôi phục, nhưng quy mô nhỏ bé hơn. Hiện nay, trên địa bàn xã Quang Khải còn chùa Như Ý (thôn Vũ Xá), chùa Phúc Linh, miếu Nhũ Tỉnh (thôn Nhũ Tỉnh), đình Tân Quang, chùa Mạc, đền Tân Quang (thôn Tân Quang).
Đặc biệt, Chùa Tông được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 3177/QĐ-UBND ngày 22/11/2010 của UBND tỉnh Hải Dương.
Về thăm di tích chùa Tông, du khách có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Dương theo đường 391 đến ngã ba thị trấn Tứ Kỳ, rẽ phải qua cầu Vạn theo đường 391 đến chợ Quàn (xã Minh Đức) khoảng 3 km, rẽ phải vào xã Quang Khải, tới thôn Vũ Xá – nơi có di tích. Toàn tuyến đường dài 20 km được rải nhựa toàn phần, rộng rãi, phù hợp với mọi phương tiện giao thông như ô tô, xe đạp, xe máy ....
Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh được đặt trang trọng tại chùa
1. Về nhân vật được thờ
Chùa Tông là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại thừa, đây là thiền phái phổ biển tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Với giáo lý đạo Phật khuyên răn con người sống lương thiện, cần cù chịu khó, trút bỏ những điều ác để con người sống tốt hơn trong cộng đồng của mình. Theo các tài liệu nghiên cứu Phật giáo : Đại Thừa có nghĩa là “cỗ xe lớn" ngụ ý chở được nhiều người khác với Tiều thừa như “cỗ xe nhỏ" chỉ chở được một người. Đại Thừa chủ trương không câu lệ, cố chấp và giáo lý, rộng rãi trong việc thực hành giáo luật .... thờ nhiều Phật, thờ cả Bổ Tát.
Ngoài thờ Phật, chùa Tông còn thờ cả Khổng Tử- người sáng lập ra đạo Nho (Khổng Tử trước đây thờ tại văn chỉ. Năm 1947, văn chỉ bị tiêu thổ kháng chiến, nhân dân đã rước ngai thờ Khổng Tử về chùa).
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại chùa Tông đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương :
- Là nơi diễn ra Đại hội chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của xã Quang Khải (ngày 05 tháng 10 năm 1947).
- Là nơi đóng quân của một tiểu đội thuộc quân đội Nguyễn Huệ, huyện Tứ Kỳ.
- Là nơi sơ tán của Ủy ban hành chính kháng chiến xã Minh Đức.
- Là một lớp học của trường Tiểu học xã Quang Khải.
Tượng Adiđà - nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn (thế kỷ XIX)
Tượng Tam thế hiện tại (nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn thế kỷ XIX)
2. Lược sử di tích
Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu, căn cứ vào hệ thống bia ký, quy mô kiến trúc, chùa Tông được nhận định khởi dựng vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Công trình hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm 1915.
Cũng theo ý kiến của các cụ cao niên trong làng thì chùa Tông xưa gồm nhiều hạng mục công trình. Trong đó, khu chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian dĩ tiền đường và 2 gian hậu cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín. 5 gian nhà tổ nằm ở phía sau chùa, quay hướng Nam, chất liệu bằng gỗ lim, mái lợp rạ. Ở phía Tây chùa có 3 gian nhà khách.
Năm 1947, 03 gian nhà khách bị phá.
Năm 1950, 5 gian nhà tổ bị phá. Nhân dân đã khôi phục lại ngay trong năm với quy mô nhỏ gồm 3 gian, chất liệu chủ yếu bằng gỗ xà cừ, mái lợp ngói ta.
Năm 2018, được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí và nhân dân địa phương phát tâm công đức đã tu bổ, tôn tạo tòa Tiền Đường khang trang
Năm 2022, do xuống cấp trầm trọng, không thể khắc phục, được sự phát tâm công đức của nhân dân và sự xã hội hóa từ các nguốn vốn hợp pháp và được sự đồng ý của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương, hai pho tượng Hộ pháp tại chùa đã được phục chế theo nguyên mẫu tượng Hộ Pháp được lưu trong hồ sơ xếp hạng di tích.
Trong khuôn viên của di tích hiện nay, ngoài khu chùa chính, 01 nhà tổ còn có 03 tháp sư (thờ các vị sư trụ trì chùa qua các thời kỳ, đó là cụ Đàm Đạt, Đàm Tiếp và Đàm Đắc, trong đó cụ Đàm Đạt được suy tôn là sư tổ, lai lịch của các vị sư đều bị thất truyền) và một ngôi đình nhỏ nằm ở vị trí trước chùa, quay hướng Nam (đình Tông trước đây cách chùa Tông một cái ao). Đây là một ngôi đình đẹp gồm 05 gian đại bái kiểu đao dĩ và 2 gian hậu cung, chất liệu chủ yếu bằng gỗ lim, thờ 02 vị Thành hoàng là thiên thần : Diêm La đại vương và Giang Thần đại vương. Hai bên đình có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 05 gian. Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình bị giải hạ, chỉ còn lại 02 dãy giải vũ. Năm 1951, giặc Pháp về đóng bốt Quàn (cách chùa khoảng 01 km về hướng Đông Nam) đã phá hai dãy giải vũ để làm nhà cho quân lính. Năm 1997, nhân dân địa phương đã xây dựng một ngôi đình tạm, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng trong khuôn viên của chùa Tông, gồm 03 gian, 02 vì kèo gác tường, mái lợp proximăng, kiến trúc đơn giản. Bên trong đình đạt ngai và bài vị thờ hai vị Thành hoàng. Hiện nay, đình còn lưu giữ được 13 đạo sắc phong thời Nguyễn từ năm Tự Đức thứ 6 (1853) đến năm Khải Định thứ 9 (1924), 01 nhang án và 01 bia đá thời Nguyễn.
Bia thời Nguyễn hiện lưu giữ tại di tích
Hệ thống sắc phong của Đình (trong khuôn viên chùa)
Tượng Quan âm Tống tử ( nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn thế kỷ XIX)
Tượng Thánh Hiền ( nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn thế kỷ XIX)
Hai tượng Hộ Pháp tại chùa (được phục dựng theo nguyên mẫu)
3. Phong tục lễ hội
Cũng như những ngôi chùa ở miền Bắc, chùa Tông có đầy đủ lễ tiết trong năm, dưới đây là các lễ tiết trong năm tính theo âm lịch :
- Ngày 09 tháng Giêng : là ngày lễ thượng nguyên cầu phúc cho dân làng.
- Ngày 01 tháng Hai : giỗ vị sư Tổ Đàm Đạt.
- Ngày 24 tháng Hai : giỗ cụ Đàm Tiếp.
- Ngày 05 tháng Giêng : giỗ cụ Đàm Đắc.
- Ngày 03 tháng Ba : giỗ Mẫu.
- Ngày 08 tháng Tư : ngày Phật Đản.
- Ngày 15 tháng Bẩy : lễ Vu Lan.
- Ngày 20 tháng Tám : ngày giỗ Cha.
Ngoài ra, vào những ngày tuần tiết tại chùa vẫn tổ chức các buổi lễ cũng Phật cầu cho nhân dân được ấm no, an lành.
Bàn thờ các vị sư Tổ trụ trì chùa
Bài trí đồ thờ tự tại hậu cung đình (trong khuôn viên chùa)
4. Sự đặc sắc trong kiến trúc nghệ thuật của chùa Tông
Chùa Tông có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian 2 dĩ tiền đường và 2 gian hậu cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín. Đây là công trình kiến trúc còn nguyên vẹn từ thời Nguyễn. Tương truyền, thế đất chùa nằm trên hầu con rồng. Hai mắt rồng là ao và giếng chùa.
Ba gian 2 dĩ tiền đường dài 11,34m, rộng 5,55m, chất liệu bằng gỗ tứ thiết gồm 4 vì kèo. Hai vì gian trung tâm được kiến tạo kiểu kẻ chuyền chồng chóp, phần chóp có kiến trúc kiểu giá chiêng, riêng hai bên vì bên lại có kiến trúc kiểu kẻ chuyền, giá chiêng. Tại các chi tiết như giường bụng lợn, các con thuận đều chạm rồng cách điệu và lá lật. Tại một số cột cái có khắc các dòng chữ Hán ghi tên những người công đức tôn tạo chùa.
Các vì kèo là hệ thống giằng ngang của toàn bộ công trình. Mỗi vì kèo bao gồm các chi tiết : bẩy hiên, cột quân, xà nách, cột cái, trụ, con thuận, giường bụng lợn .... đều được tạo dựng kỹ càng, hệ thống các mang mộng bén khít, không bị xô lệch. Ngoài các hệ thống giằng ngang, hệ thống tiền đường còn có hệ thống giằng dọc, liên kết các vì kèo, đó là hệ thống tàu, lá mái, xà thượng, xà hạ, gộp mái ... Đặc biệt, hệ thống hoàng được bài trí theo lối “thượng tứ, hạ ngũ" khá chắc chắn. Các hoành vuông được soi chỉ bào nhẵn, các hoành tròn được tạo dáng thon đều. Thượng lương chắc khỏe.
Phần nề ngõa: móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Bờ nóc được đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, thân rồng cuộn 3 khúc. Bờ cánh mềm mại. Mặt trước được lắp đặt 3 bộ cửa bức bàn.
Hai gian hậu cung dài 5,4m, rộng 3,95m gồm 3 vì kèo có kiến trúc giống nhau, kiểu kèo cầu trụ báng. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi.
Chi tiết chạm khắc trên vì kèo thứ hai tòa hậu cung
Kết cấu nội thất tòa Tiền đường
5. Cây thị nằm bên cạnh chùa Tông – biểu tượng văn hóa của làng vừa mang giá trị lịch sử sâu sắc
Điều đặc biệt nằm trong khuôn viên di tích chùa Tông đó chính là cây thị Không chỉ góp phần tô điểm cho không gian di tích thêm cổ kính, cây thị này còn có giá trị về mặt lịch sử.
Đây là một trong những cây thị lâu năm nhất ở Tứ Kỳ. Cây thị này cao khoảng 12-15 m, phần gốc 3 người ôm mới hết. Vỏ cây sù sì, mốc meo, rễ cây tạo thành những gân cục nổi đầy mặt đất nhưng cành lá vẫn xum xuê, tỏa bóng mát khắp sân chùa. Năm nào cây thị này cũng đơm hoa kết trái.
Không có người dân nào ở làng Vũ Xá biết chính xác cây thị ở chùa Tông có từ bao giờ. Có người bảo cây được trồng cách đây hơn 200 năm, người lại đoán phải có từ 300 - 400 năm trước. Cây thị ở chùa Tông cũng là "nhân chứng" cho lịch sử của một thời đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới gốc cây thị có một hầm bí mật, làm nơi đi lại, ẩn náu của bộ đội. Bởi vậy ngày ấy cây ít đất ăn, rễ trơ trọi, không được xum xuê như bây giờ. Chùa Tông là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Quang Khải... Năm 2018, một công dân trong làng đã phát tâm đầu tư xây quây gốc thị, bón thêm chất dinh dưỡng. Dưới tán cây đặt thêm mấy chiếc ghế đá để dân làng có nơi ngồi chơi hóng mát. Chiều chiều, nhiều người dân trong thôn ra ngồi ở ghế đá đặt dưới tán thị, hít hà không khí trong lành giữa chốn linh thiêng, cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.
Cây thị - cây cổ nằm ngay cạnh chùa Tông
*** Chùa Tông gắn bó với cuộc sống của người dân địa phương, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa và là niềm tự hào của làng Vũ Xá nói riêng và xã Quang Khải nói chung. Với nhiều người con xa quê, ngôi chùa làng là hình ảnh đã ăn sâu vào tâm trí. Mỗi lần có dịp về thăm quê hương họ không quên ghé qua vãn cảnh chùa và nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ thuở ấu thơ cùng ngôi chùa cổ kính với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc này.
“Chuông vẳng mõ ngân nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên"
Mặt chính di tích
Hãy đến với nơi đây để cùng khám phá sự đặc sắc trong kiến trúc nghệ thuật và đắm mình vào không gian yên bình, cổ kính của di tích.